Vai trò giới là gì? Vì sao nam giới lại bị kìm hãm bộc lộ sự yếu đuối của bản thân?
VẬY VAI TRÒ GIỚI LÀ GÌ?
Trong quá trình lớn lên, chúng ta đã quen với những hình ảnh trong gia đình như mẹ nấu cơm, bố sửa điện hay ở ngoài xã hội như cô bán hàng, chú lái xe, chú thợ xây,… Bởi vì thế, một số người nghĩ rằng đặc điểm của giới tính sinh học sẽ quy định tính chất công việc mà người đó làm.
Dù nam và nữ đều có thể tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, tuy nhiên những quan niệm, các chuẩn mực xã hội đã làm ảnh hưởng đến mức độ tham gia của họ trong các loại công việc khác nhau. Những công việc mà họ đảm nhận được gọi là vai trò giới. Vì vậy, vai trò giới là “tập hợp các hành vi ứng xử mà xã hội mong đợi ở nam và nữ liên quan đến những đặc điểm giới tính và năng lực mà xã hội coi là thuộc về nam giới hoặc phụ nữ (trẻ em trai hoặc trẻ em gái) trong một xã hội hoặc một nền văn hoá cụ thể nào đó. Hay nói cách khác, vai trò giới là những chuẩn mực về cách hành xử, ăn mặc và lời nói dựa trên giới tính mặc định. Phổ biến nhất là chuẩn mực “phụ nữ phải nữ tính và dịu dàng” còn “đàn ông phải mạnh mẽ”.
ĐÀN ÔNG THÌ PHẢI “MẠNH MẼ”?
Từ nhỏ, những bé trai luôn được dạy rằng: “Con trai thì không được khóc hay thể hiện cảm xúc quá ủy mị, yếu đuối! Làm con trai thì phải quyết đoán, không được do dự! Phải mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống!”. Vì vậy những “vai trò giới” đó đã bị xã hội áp đặt lên nam giới, trở thành một khuôn mẫu chuẩn mực của một “Người đàn ông thực thụ”.
Dù là nam hay nữ thì họ cũng đều có những trải nghiệm về sự giận dữ, buồn bã và sợ hãi thường xuyên giống như nhau, nhưng đối với nam giới, họ chỉ bộc lộ cảm xúc giận dữ, và họ phải tự trấn áp bản thân với nỗi buồn và nỗi sợ hãi, buộc phải che giấu cảm xúc và không cho người khác thấy họ đang gặp khó khăn. Vì thế mỗi lần phái nam trở nên yếu đuối, họ buộc phải thu nỗi đau lại, gồng lên chịu đựng và phải giải quyết vấn đề một mình, đôi lúc việc áp đặt vai trò giới trở nên nặng nề đến mức phái nam có suy nghĩ tự chán ghét và phủ nhận những cảm xúc tiêu cực của mình.
ĐÀN ÔNG CŨNG CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG KHI HỌ TRỞ NÊN YẾU ĐUỐI
Tuy nhiên, đã là con người thì ai cũng có những lúc yếu đuối, tiêu cực, và những lúc như thế không ai cấm cản chúng ta thể hiện cảm xúc của mình.
Nữ diễn viên Emma Watson đã từng nói: "Tôi ghét câu nói đàn ông không có quyền khóc. Sẽ thật kinh khủng khi họ không thể bày tỏ hay nói về cảm xúc của mình. Bởi việc thể hiện cảm xúc không làm cho chúng ta yếu đi, nó khiến chúng ta sống thật với mình hơn. Nếu bạn có một trái tim đập trong lồng ngực và bạn quan tâm đến điều đó, nó là một điều tuyệt vời".
Vì vậy, dù là phụ nữ hay đàn ông thì cũng phải biết tôn trọng cảm xúc của bản thân mình, đó là cách để chúng ta yêu bản thân và tôn trọng chính con người mình. Khi là chính mình, ta mới được những người xung quanh tôn trọng và thấu hiểu hơn, khi biết làm chủ cảm xúc thì chúng ta mới biết cách làm chủ cuộc sống, sự nghiệp và đam mê của bản thân.
#Chữalành #chữalành #healing #talk #chữalànhđứatrẻbêntrongbạn #contrai #mentalhealth #khóc #corecommunity #dailylife #cry #teatalkvietnam #chualanhtamhon #HETALKS #teatalk #hetalks