BẠN ĐÃ TỪNG BỊ CHẾ GIỄU VÌ LÀ CON TRAI MÀ KHÓC?
Con trai có được khóc không ?
Khóc là nhu cầu tự nhiên của cơ thể, thường xuất hiện khi con người gặp cảm xúc quá mạnh. Vì không có cảm xúc nào là xấu, nên việc cảm xúc khiến cho mình khóc cũng không phải là xấu, dù là con trai hay con gái. Chưa kể khóc có thể giúp cơ thể thư giãn, giảm đau, giảm căng thẳng.
Quan điểm này có thể xuất phát từ những quan niệm trước đây về vai trò của con trai trong xã hội: “Mạnh mẽ, không ngại khó, ngại khổ, làm việc lớn”. Hình ảnh khóc trái ngược lại hoàn toàn với hình ảnh mạnh mẽ, nên nó có thể bị coi là sai, là kém. Bên cạnh đó, những người không cho con trai khóc có thể là vì không có khả năng chấp nhận hành động khóc và những cảm xúc mạnh nói chung, do không có niềm tin, kiến thức, và kỹ năng cần thiết.
Nên đáp lại sự chế giễu, định kiến này như nào ?
Trước hết, khẳng định việc khóc là tự nhiên, là cần thiết “Là con người, tôi có quyền được khóc khi nào cơ thể tôi thấy là cần thiết”. Nếu không gian hiện tại xung quanh bạn không phù hợp để khóc (trường học, chỗ làm) hãy yêu cầu được dành ra một thời gian ngắn, tìm không gian riêng để khóc đến khi nào thấy tạm ổn để tiếp tục công việc. Khi kết thúc ngày học/làm việc, hãy tìm đến những người bạn cảm thấy an toàn để trao đổi về sự kiện đã khiến bạn khóc.
Có thể khóc với ai ?
Bạn có thể khóc với những người thân thiết, những người bạn cảm thấy an toàn. Những người này không nhất thiết phải là họ hàng, ruột thịt, mà có thể là bạn bè, hàng xóm, những người lớn bạn tin tưởng. Lưu ý là việc một người có thể lắng nghe bạn hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào mức độ thân thiết, mà còn vào khả năng của họ. Hãy lựa chọn, tìm kiếm những người phù hợp để tránh tổn thương cho cả hai bên.